Ngôi nhà có tổng diện tích 260 m2 ở huyện Thanh Trì, vừa xây xong đầu năm 2022. Trước khi xây dựng, đây là một mảnh đất trống, xung quanh thoáng đãng với nhiều cây xanh và ao phía trước nhà. Tuy nhiên đây lại là nhược điểm khi hướng nắng Tây Nam không được che chắn, lại có khá nhiều bụi.
Ngoài những chức năng cơ bản, gia chủ mong muốn có một không gian sống đúng nghĩa nhằm tái tạo sức lao động và gắn kết các thành viên khi trở về. Không gian riêng được bố trí vừa đủ các chức năng cơ bản, còn lại dành diện tích tối đa phục vụ cho không gian chung và sân vườn. Ý tưởng của gia chủ là biến ngôi nhà phố thành một resort thu nhỏ có nhiều mặt thoáng và cảnh quan đa dạng.
Giải pháp kiến trúc sư đưa ra là xử lý phần mặt tiền với tường kín và khoảng lùi của sảnh, ban công kết hợp với rèm cây xanh nhằm hạn chế hướng nắng, bụi và tiếng ồn.
Phần thiết kế bên trong ngôi nhà được lấy cảm hứng từ những nếp gấp giấy từ nghệ thuật truyền thống Origami của Nhật Bản. Điểm dễ nhận ra nhất là những nếp gấp giấy linh hoạt được ứng dụng vào các bậc thang phá cách. Kiến trúc sư đã cho đảo vế thang và lệch tầng giữa các không gian trong nhà.
Việc xử lý lệch tầng và đảo vế thang cũng tăng thêm nhiều khoảng trống có tỷ lệ lớn nhỏ khác nhau cho không gian nội thất.
Cây xanh phát triển theo chiều thẳng đứng của khoảng thông tầng và dưới giếng trời. Ánh sáng và nguồn gió tự nhiên từ những khoảng trống này giúp cây cối trong nhà phát triển tốt tươi.
Bình thường nhà phố sẽ chỉ có một mặt thoáng phía trước, tuy nhiên Folding House có ba khoảng sân ở trước, sau và chính giữa ngôi nhà.
Mục đích chính của những khu vườn nhỏ là làm tăng bề mặt tiếp xúc tự nhiên, khắc phục nhược điểm lớn nhất của nhà phố. Điều này giúp toàn bộ không gian trong nhà đều đối lưu không khí và tăng ánh sáng tự nhiên, ngoài ra còn tạo các điểm nhìn cây xanh từ nhiều phía.
Hai mảng gạch đỏ chạy từ dưới lên trên có tác dụng tạo điểm nhấn, dẫn hướng cho cụm thông tầng và thang bộ.
Với nhà phố, hai mặt bên thường tiếp giáp với nhà bên cạnh nên tường chỉ là mảng đặc. Ở công trình này thì phía Tây chưa xây dựng, nên mảng tường gạch đỏ có hai lớp, giữa hai lớp được tách nhau một khoảng nhỏ để lưu thông không khí, giúp giảm một phần bức xạ từ bên ngoài vào.
Các không gian từ tầng một lên trên mái đều được tính toán để có cao độ phù hợp, giúp tăng khả năng tương tác và kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Mọi người cũng có thể dễ dàng quan sát toàn bộ ngôi nhà từ không gian lệch tầng.
Công trình sử dụng các vật liệu tự nhiên như đá ong, đá cubic, đá bazan… Tác dụng của các vật liệu tự nhiên là có bề mặt nhám, chống trơn trượt và hạn chế việc phản xạ ánh nắng. Nội thất theo thiên hướng tối giản và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu cơ bản.
Tường ngoại thất sử dụng sơn hiệu ứng bê tông, giúp công trình mang màu sắc của thời gian, đồng thời hạn chế việc xuống cấp, bám bụi bẩn như sơn thường sau thời gian dài sử dụng.
Cây trồng chính trong nhà là bàng Đài Loan, vạn tuế, vạn niên thanh, phía ngoài có cúc tần rủ và chuối cảnh.
Ưu điểm của các loại cây này là chi phí rẻ và dễ chăm sóc, có thể sống tốt trong điều kiện không nhiều ánh sáng tự nhiên.
Ban công giống như một khu vườn nhỏ, nơi trẻ có thể tự tay chăm sóc cây. Đây cũng là nơi gia đình tổ chức những bữa tiệc ấm cúng cùng bạn bè.
Bản vẽ công trình
Công trình hoàn thiện sau 7 tháng. Chi phí không được tiết lộ.
Bài viết: Trang Vy
Đơn vị thực hiện: X11 Design Studio
Hình Ảnh: Hoàng Lê