NHÀ NHỎ Ở SÀI GÒN CHƠI CHIÊU "TỊNH TIẾN KHÔNG GIAN", HACK DIỆN TÍCH CỰC ĐỈNH
NHÀ NHỎ Ở SÀI GÒN CHƠI CHIÊU "TỊNH TIẾN KHÔNG GIAN", HACK DIỆN TÍCH CỰC ĐỈNH
Với chiều cao 15m, gồm 10 không gian chính bao gồm 5 phòng ngủ và một số không gian phụ, ít ai ngờ được căn nhà này có diện tích chỉ 3m x 12m.
Ngôi nhà nằm cạnh Chợ Lớn, một khu vực đậm nét văn hóa người Hoa ở Sài Gòn. Hiện trạng căn nhà khi chưa xây dựng gặp khá nhiều bất lợi, nằm trên điểm nối hai con đường lớn và không có khoảng lùi; hai mặt xung quanh bị che khuất bởi nhà lân cận cao đến 3 tầng. Ngoài ra, chủ nhà yêu cầu có nhiều phòng riêng cho gia đình 5 người nhưng diện tích giới hạn chỉ 3mx12m.
Ngôi nhà cao đến 5 tầng, các tầng trên được đẩy lùi ra phía sau, nổi bật toàn khu phố
Với mật độ sử dụng cao, gồm 10 không gian chính bao gồm 5 phòng ngủ và một số không gian phụ, công trình đề xuất có 5 tầng với chiều cao hơn 15m, phá vỡ tổng thể chung của khu phố và gần như không thể lấy sáng cho các khu vực phía sau bên dưới. Vì thế nhóm KTS đã đưa ra 2 giải pháp:
Đầu tiên, căn nhà được làm hai phần theo chiều cao. Phần một từ tầng trệt đến tầng 2, phần 2 từ tầng 3 đến tầng 5 được đẩy lùi về sau. Khoảng lùi này sẽ giúp căn nhà "hack" chiều cao khi nhìn từ con đường rộng 4,5m phía dưới, giữ lại sự hài hoà so với tổng thể kiến trúc khu phố. Sự lùi lại của khối tích phía trên cũng làm tăng diện tích tiếp xúc tự nhiên cho lõi thông tầng, giúp khai thác tối ưu ánh sáng mặt trời hướng Đông.
Nhờ các khoảng lùi này mà nhìn từ con đường phía dưới căn nhà chỉ cao khoảng 2 tầng
Tiếp theo, hai thông tầng được bố trí ở giữa và cuối công trình. Thông tầng phía sau gần như chỉ là đường thông gió, giúp nắn lại thế đất góc cạnh. Thông tầng chính ở giữa cũng chỉ chiếm diện tích nhỏ trong tổng thể nhưng nhóm KTS đã triển khai ý tưởng tịnh tiến (SHIFT): các không gian chức năng hướng về phía Đông để tạo ra một khoảng trống "xiên", tối đa ánh nắng chiếu xuống cho khu vực bếp và phòng ăn vào buổi sáng, thời gian diễn ra nhiều hoạt động nhất trong ngày.
Tầng trệt là không gian chung gồm bếp và phòng ăn
Những khoảng thông tầng giúp lấy sáng hiệu quả xuống không gian phòng bếp và phòng ăn
Phòng ăn sử dụng gạch men, đèn vàng và bàn ghế bằng gỗ tạo cảm giác ấm cúng
Cầu thang dẫn lên tầng 1, mặt trước hướng ra phòng ngủ, mặt sau hướng về phòng tắm
Phòng ngủ đơn giản, tất nhiên không thiếu 1 chiếc cửa sổ hướng ra mặt tiền lấy sáng
Phòng tắm tầng 1 với hoạ tiết trang trí vảy cá tạo cảm giác vừa sang trọng vừa tươi mát
Ý tưởng tịnh tiến này cũng được sử dụng cho khoảng thông tầng phía sau, tăng hiệu quả thông gió, lấy sáng.
Cầu thang thay đổi linh hoạt theo chiều xiên của lõi thông tầng. Thân thang, mặt bậc sử dụng vật liệu có khả năng xuyên sáng một phần, cho phép ánh sáng len lỏi, tạo ra hiệu ứng bóng đổ rất nghệ.
Cầu thang dẫn lên tầng 2 thay đổi vật liệu có khả năng xuyên sáng một phần để đưa ánh sáng xuống tầng dưới
Tầng 2 cũng chia làm 2 phần, mặt trước là phòng ngủ, mặt sau là không gian phòng khách
Tầng 3 dành cho không gian làm việc và sân vườn
Từ tầng 3 không gian được đẩy lùi về phía sau, tạo nên một khu vườn nho nhỏ phía trước
Không gian tầng 4 là không gian phòng ngủ riêng tư
Cầu thang có những lỗ nhỏ để tạo nên những khe sáng đón nắng Đông vào mỗi buổi sáng
Mô hình căn nhà
Nguồn sưu tầm:
Bài viết + Hình ảnh: Kênh 14
Đơn vị thực hiện: AD+studio