NHÀ HƯỚNG TÂY VỚI NHỮNG KHOẢNG TƯỜNG LÙI GIẢM BỨC XẠ NHIỆT CHO KHÔNG GIAN
NHÀ HƯỚNG TÂY VỚI NHỮNG KHOẢNG TƯỜNG LÙI GIẢM BỨC XẠ NHIỆT CHO KHÔNG GIAN
W House là công trình nhà ở được xây dựng tại khu đô thị mới thuộc TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ưu điểm của ngôi nhà là sở hữu 2 mặt tiền, nhưng một trong hai mặt tiền này nằm ở hướng chính Tây. Bài toán đặt ra cho KTS là thiết kế để tận dụng tốt ưu thế vị trí lô góc khu đất, giải quyết vấn đề bức xạ nhiệt trực tiếp cho không gian bên trong.
W House nổi bật với ngoại thất gam màu trắng – đen hiện đại
Vị trí lô góc khu đất xây dựng W House có ưu điểm tiếp cận với không gian bên ngoài một cách thuận lợi, tuy nhiên, hướng mặt tiền theo chiều dài của khu đất là hướng chính Tây. Do đó, bài toán cho KTS khi thiết kế ngôi nhà là làm sao có thể tận dụng tốt ưu thế 2 mặt tiên, song song với đó cần giải quyết vấn đề nắng nóng trực tiếp ở bên ngoài.
Hướng mặt tiền theo chiều dài của đất là hướng chính Tây đòi hỏi giải pháp xử lý hiệu quả
Tại không gian tầng một, một khoảng lùi lớn ở hướng Bắc vừa là sân để xe cũng như là khoảng đệm giữa không gian bên ngoài và phòng khách, nó giúp giảm đi khói bụi và tiếng ồn thường thấy khi công trình tiếp giáp với đường lớn. Bên phía hướng Tây, các khoảng lùi nhỏ như sân ướt, cây xanh khiến không gian chức năng bên trong không bị ảnh hưởng bởi nắng gắt. Với cách bố trí như vậy, không gian phòng khách sẽ đón được những ánh nắng hoàng hôn cuối chiều qua những tán lá. Đặc biệt, tất cả các không gian chức năng ở tầng một đều được kết nối với khoảng giếng trời ở phía Đông của công trình. Mọi vị trí ở tầng một đều có thể nhìn ra thác nước và đón những tia nắng hướng Đông. Việc bố trí giếng trời ở vị trí hút gió hợp lí khiến tầng 1 luôn thoáng mát với những luồng gió lưu thông qua thác nước và bể cá.
Khoảng đệm lớn kết hợp chỗ để xe của ngôi nhà, giúp giảm thiểu khói bụi và tiếng ồn
Phòng khách nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên nhờ sử dụng vách kính
Công trình sử dụng cầu thang bay với lan can kính, tạo điểm nhấn khác biệt cho ngôi nhà
Ở tầng 2, các phòng ngủ đều được lấy sang theo hướng Bắc và hướng Đông. Cách chắn nắng của các phòng ngủ khá đặc biệt khi các mảng tường chéo được sắp xếp, tính toán một cách hợp lý. Khoảng tường chéo này và mảng kính ngăn cách không gian phòng ngủ với bên ngoài tạo thành một khe hút gió. Nó khiến không khí nóng hình thành bởi sự hập thụ nhiệt ở bức tường chéo bên ngoài được giải phóng, khi đó phòng ngủ sẽ luôn tiếp cận với luồng nhiệt dễ chịu. Phòng ngủ master có hướng nhìn ra thác nước ở giếng trời. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, sự lưu thông không khí ở hướng Đông và khe thoáng ở hướng Tây giúp căn phòng luôn thoáng đãng và mát mẻ.
Sàn hành lang tầng 2 đón ánh sáng từ giếng trời
Phòng ngủ master sử dụng vật liệu gỗ là chủ đạo
Căn phòng có lượng nắng chiếu vừa phải nhờ thiết kế tường chéo
Tất cả các không gian phụ như phòng thay đồ, WC và hành lang đều được che chắn bằng những khoảng tường đặc nhưng luôn tràn đầy ánh sáng tự nhiên với giếng trời xuyên suốt từ tầng một.
Mặt bằng tầng 1Mặt bằng tầng 2Mặt bằng tầng 3
Có thể thấy, thoạt nhìn công trình từ bên ngoài, các khối đặc sắp xếp đan xem khiến ta hình dung về một không gian gò bó, thiếu ánh sáng bên trong. Tuy nhiên, với cách xử lý mặt bằng hợp lí, cách bố trí giếng trời theo hướng có lợi về vi khí hậu, sự khéo léo khi sắp xếp các mảng tường chéo chắn nắng, KTS đã tận dụng tối đa được những ưu thế cũng như giảm thiểu những bật lợi hướng Tây của khu đất để hình thành nên một công trình kiến trúc ấn tượng.
Nguồn sưu tầm:
Bài viết, Hình ảnh: Theo Kienviet
Đơn vị thực hiện: KTS Nguyễn Hiếu