Zalo
Hotline
Hotline: 0967 51 77 60

NGÔI NHÀ VỚI HỆ MÁI NGÓI XẾP TẦNG

Trở lại

NGÔI NHÀ VỚI HỆ MÁI NGÓI XẾP TẦNG

Với độ cao mái khác nhau, các khối chức năng được lồng ghép tạo sự phân chia ước lệ, tránh nhàm chán như thiết kế thông thường.

 

 

Ngôi nhà 190 m2 với một trệt một lầu được xây dựng trên mảnh đất 300 m2 là nơi ở của một cặp vợ chồng cùng hai con tại xã Đức Chánh, huyện Đức Mộ, Quảng Ngãi.

 

Vì con cái đã trưởng thành, làm việc xa nhà nên sinh hoạt chính của gia đình tập trung ở tầng trệt. Trước khi xây dựng, gia chủ mong muốn có không gian sống thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra còn mang nét hoài cổ về nếp sống xưa trong không gian kiến trúc đương đại.

 

 

Dù thiết kế theo phong cách nhiệt đới đương đại với đường nét tối giản nhưng công trình lại mang bầu không khí xưa cũ thông qua việc sử dụng mái ngói dốc, sân trước và sân sau lát gạch nung, gạch thẻ làm hàng rào... Cách thiết kế này nhằm truyền tải nét đặc trưng của kiến trúc nhiệt đới địa phương.

 

Theo kiến trúc sư phụ trách Lê Viết Hội, nhìn công trình từ trên cao sẽ thấy độ cao của mái xếp tầng khác nhau. "Mục đích là tạo sự đa dạng cao độ, kết nối và phân chia không gian phía dưới", vị này nói.

 

 

Theo đó, các khối chức năng lồng ghép với khối tích và cao độ khác nhau tạo sự phân chia ước lệ và đa dạng các không gian trong nhà, bớt sự nhàm chán như thiết kế thông thường.

 

Cách bố cục về hình khối vừa tạo tính kết nối vừa tạo sự riêng tư cho khu vực phòng ốc, đồng thời phân bố đều ánh sáng và thông gió cho căn nhà.

 

 

Hàng hiên là sự nối dài của không gian bên trong và mở rộng kết nối đời sống riêng tư với không gian bên ngoài. Khi không khí nóng vào nhà qua hàng hiên, nhiệt độ được giảm xuống, mái hiên cũng sẽ che nắng không cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào nhà. Mùa mưa, sự che chắn còn đảm bảo không cho nước tạt vào bên trong.

 

Hệ kính trượt ở phòng khách đưa ánh sáng vào nhà. Đặc biệt, chúng cho phép gia chủ lúc nào cũng có thể nhìn ra khu vườn ngợp sắc xanh phía trước.

 

 

Gian thờ đặt ở trung tâm nhà, dễ dàng kết nối với những không gian khác, tạo thuận tiện trong sinh hoạt cũng như tăng thêm phần ấm cúng. Hình ảnh bình phong, mặt nước thường thấy trong kiến trúc nhà rường Huế được tái hiện với ngôn ngữ hiện đại, đem lại sự trang nghiêm và tính riêng tư cho gian thờ.

 

Phòng khách, thờ, bếp nằm trong không gian hai mái dốc, cao độ phần thấp nhất mái là 2m10. Đây là tỷ lệ thường thấy ở không gian nhà truyền thống nông thôn xưa với ưu điểm hạn chế nắng gắt mùa hè và tạt mưa. Độ dốc mái của không gian này là 28 độ, theo độ dốc truyền thống nhằm đảm bảo thoát lượng nước lớn ở khu vực có mưa nhiều như miền Trung.

 

 

Các giếng trời xuất hiện trong nhà không chỉ phân chia khu vực chức năng, tăng tiếp xúc tự nhiên, lấy sáng, thông gió mà còn trở thành nơi ươm những bóng cây xanh phía dưới.

 

Nhờ thiết kế đặc biệt, ngôi nhà có nắng gió tự nhiên chan hòa khắp mọi nơi, len lỏi tới các phòng công năng.

 

 

Mái tại khu vực bàn ăn có độ cao 7 m. Đây là tỷ lệ thường thấy trong các biệt thự theo phong cách Đông Dương. Mục đích thiết kế này tạo sự thoáng đãng, mát mẻ với không gian lớn kết nối hai phòng ngủ ở tầng lầu. Mọi sinh hoạt của phòng ngủ vì thế được kết nối với tầng trệt, tăng tương tác và tạo sự ấm cúng.

 

Mái sử dụng là mái ngói đất, nhẹ hơn ngói xi măng. Hệ đỡ mái là hệ sắt hộp với tiết diện nhỏ, tính thẩm mỹ cao, chi phí rẻ hơn hệ đỡ bằng gỗ.

 

 

Ranh giới vốn được hiểu như phân định rạch ròi giữa trong và ngoài, giữa bên này và bên kia, là biên giới không thể vượt qua để che chắn và phòng hộ. Tuy nhiên ở công trình này, kiến trúc sư đã mang đến những nhận thức khác về ranh giới.

 

Theo đó, các phòng công năng được phân chia ước lệ bằng độ cao khác nhau của mái thay vì những khoảng tường đặc, tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng. Cách thiết kế này khiến không khí, ánh sáng luôn đảm bảo đối lưu.

 

 

Thẳng từ trên mái xuống khu vực bàn ăn có một khe lấy sáng rộng 200 mm, nhằm tăng cường ánh sáng tự nhiên cho không gian bên dưới.

 

Ở những thời điểm khác nhau trong ngày, cường độ của khe sáng cũng khác nhau, giúp gia chủ có thể cảm nhận sự thay đổi của thời gian dựa vào bóng nắng phản chiếu.

 

 

Ánh sáng được khai thác bằng nhiều cách khác nhau, từ khoảng sân trong, kính lấy sáng, cửa sổ… mang lại sự chuyển tiếp không gian trong và ngoài nhà.

 

Ngoài giếng trời thẳng xuống hồ nước nằm giữa gian thờ và phòng khách, còn một giếng trời nữa ngay cạnh khu bếp. Không gian này được thiết kế thành một khu vườn nhỏ, nơi trồng các loại cây gia vị. Giếng trời được "cấy" giữa công trình khiến không khí trong nhà luôn thông thoáng, đồng thời kết nối con người với thiên nhiên.

 

 

Nội thất trong nhà tối giản đảm bảo sự thoáng đãng, tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng không gian.

 

Mảng tường trắng như một phông nền trơn nhằm tăng giá trị đồ đạc xung quanh, đồng thời mang lại hiệu quả thị giác về một không gian rộng rãi, mát mẻ.

 

 

Bản vẽ công trình.

Ngôi nhà được xây dựng trong một năm, chi phí không được tiết lộ.

 

Bài viết: Trang Vy

Đơn vị thực hiện: 6717 studio 

Hình Ảnh: Hiroyuki Oki

Chia sẻ: