Zalo
Hotline
Hotline: 0967 51 77 60

PHONG CÁCH WABI SABI - VẺ ĐẸP TỪ VÔ THƯỜNG VÀ DỞ DANG

Trở lại

PHONG CÁCH WABI SABI - VẺ ĐẸP TỪ VÔ THƯỜNG VÀ DỞ DANG

Mộc mạc, thô vụng và có phần dửng dưng, phong cách nội thất Wabi Sabi không hướng con người ta đến một không gian sống hoàn mỹ, mà ngược lại giúp họ tìm thấy hạnh phúc gói gọn trong vẻ đẹp nguyên sơ, bất toàn. Wabi Sabi chính là học cách chấp nhận sự vô thường của mọi vật trong cuộc sống và lấy cái chân thật đó làm tinh thần chủ đạo.

“WABI SABI LÀ VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG ĐIỀU BẤT TOÀN,
VÔ THƯỜNG VÀ DỞ DANG”

Leonard Koren.

 

Nếu hệ quy chiếu thẩm mỹ phương Tây luôn coi trọng sự đăng đối, hoàn hảo và mực thước, thì phong cách Wabi Sabi lại đề cao vẻ đẹp bất cân xứng, mộc mạc đầy chân thật. Có khởi nguồn từ phương pháp Thiền của đạo Phật ở thế kỷ XII và sau đó phát triển mạnh mẽ qua nghi thức trà đạo cải tiến của thiền sư Sen no Rikyu, Wabi Sabi dần tiến lên vị trí độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ của xứ sở hoa anh đào. Thật khó có thể tìm được một định nghĩa súc tích cho quan niệm mỹ học đặc biệt này. Người ta chỉ có thể hiểu về Wabi Sabi qua cắt nghĩa đơn giản theo từng vế như sau:

  • – Wabi là tìm thấy sự đủ đầy trong tâm hồn qua cuộc sống đơn sơ, giản dị và khiêm tốn về vật chất.  Từ này còn mang nghĩa tách biệt, tận hưởng sự tĩnh lặng điềm nhiên.
  • – Sabi chính là nét đẹp được tôi luyện qua bàn tay của thời gian khi những đồ vật khoác lên mình chiếc áo bụi sạm màu nhưng vẻ đẹp mang đầy đủ độ “chín”, khuất lấp sau lớp bụi mờ là phẩm giá và khí chất thanh nhã. Những vệt hằn, sứt mẻ, hư hao mà thời gian để lại trở thành những đặc điểm giá trị của vật phẩm đó.

Phong cách Wabi Sabi chính là triết lý hướng con người ta đến việc chấp nhận thực tại và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo. Thời gian trôi đi mọi sự có thể tàn phai, hư hao nhưng vun đắp trên đó lại là cái đẹp đã qua dòng lịch sử, là cuộc đời của một vật dụng có ích – góp cái đẹp, cái công năng và cả cái vui cho đời. Vẻ đẹp bất toàn đó chính là cốt lõi của sự sống, bên ngoài phai tàn đi nhưng bên trong đượm khí chất không gì có thể sánh bằng.

Khi thế giới hiện đại phát triển, những tư tưởng văn hóa đặc thù cũng theo đó mà vượt ra khỏi biên giới địa phương và dần trở thành một phong cách, quan điểm mỹ học có tầm ảnh hưởng sâu rộng, phổ biến. Khái niệm Wabi Sabi trong kiến trúc và thiết kế dần trở thành một trường phái được yêu thích bởi cảm giác dễ chịu, yên bình mà nó mang lại. Để có được sự thấu hiểu trọn vẹn về Wabi Sabi là một hành trình dài, nhưng bạn có thể nắm bắt được tinh thần chủ đạo của phong cách này qua những đặc điểm mà ELLE Decoration liệt kê dưới đây.

SỰ GIẢN ĐƠN:

phong cách Wabi Sabi 1

Chối từ những tô vẽ, bày biện không cần thiết, phong cách Wabi Sabi hướng sự tập trung của con người đến những vật dụng thực sự cần thiết để tâm trí không còn bị thao túng bởi vật chất. Trong phong cách này, người ta đề cao sự bền bỉ, hữu dụng của đồ vật. Họ không vứt bỏ đi những gì trầy xước, nứt vỡ mà hàn gắn bằng vàng (nghệ thuật Kintsugi) và để chúng tiếp tục nhiệm vụ của mình. Một ngôi nhà Wabi Sabi tập trung vào công năng nên được bày biện tối giản với những mộc mạc, thô sờn theo sự lưu dấu của dòng thời gian.

KIỂU DÁNG:

phong cách Wabi Sabi 2

Ảnh: anotherdesign.com

Với tâm thế trân trọng tự nhiên, các đồ vật thuộc phong cách Wabi Sabi sẽ không bị gọt giũa nắn vuốt theo ý đồ của NTK mà được ưu tiên giữ lại hình dáng nguyên bản, hoặc chỉ được chỉnh sửa tiết chế để tôn lên vẻ đẹp độc đáo mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho vật liệu.

MÀU SẮC:

phong cách Wabi Sabi 3

Ảnh: nativainteriors.com

Wabi Sabi là sự tái hiện tinh tế của con người về nét hài hòa của thiên nhiên khi màu sắc được sử dụng không quá tương phản, sáng rỡ mà êm đềm, thư thái và bình an như để gột rửa sầu lo, giúp ta đạt đến trạng thái tĩnh tâm bình lặng. Các tông màu theo phong cách này thuộc kiểu màu lặng không phản chiếu sặc sỡ mà ngược lại được khuếch tán và chìm hẳn. Bạn có thể tìm thấy Wabi Sabi rõ rệt nhất trong những bảng màu be đất hay xám nâu hiền hòa. Đó là màu của cát, của gỗ mục và đất mẹ ấm êm hiền hòa. Chúng không tưng bừng sức sống nhưng chứa đựng cảm giác thanh thản, lạ kỳ như sẵn sàng chở che tha thứ, sự yên ổn mà ta chỉ có thể tìm thấy được khi về với mẹ thiên nhiên.

NHỮNG KHOẢNG KHÔNG TỊNH VẮNG:

phong cách Wabi Sabi 4

Ảnh: labo-leonard.com

Wabi Sabi là tìm thấy sự bình yên, thinh lặng trong cái thiếu vắng về vật chất. Chính vì vậy những khoảng không đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phong cách thiết kế này. Các khoảng trống được tạo ra kết hợp cùng nguồn ánh sáng tràn qua ô cửa sổ đem lại cảm giác thoáng đãng, dễ chịu nhưng cũng ngập tràn sinh khí. Wabi Sabi chú trọng tạo lập điểm nhìn sao cho các khoảng không tồn tại với một mục đích đó là ngồi ở đâu cũng có thể tìm được Zen trong nhà mình.

CHẤT LIỆU:

phong cách Wabi Sabi 5

Là một thành tố chủ đạo để kể nên câu chuyện của phong cách Wabi Sabi. Ra đời như một lời tuyên bố chống lại trường phái xa hoa tô vẽ cảnh vẻ của giới Shogun, Wabi Sabi tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên qua các chất liệu hữu cơ, giữ lại hầu như nguyên trạng vẻ đẹp thô mộc không gò giũa của vật liệu để làm sáng lên tinh thần trân trọng mọi sự như vốn dĩ của chúng. Các chất liệu đó bao gồm: gỗ, đá, đất sét, kim loại, vải dệt thô, sợi tự nhiên – những chất liệu ghi dấu rõ ràng và đẹp đẽ nhất cho dòng chảy thoái hóa của thời gian. Mọi sự sẽ đẹp hơn nếu chúng hữu ích và chân thật.

Giữa nếp sống hiện đại quá tập trung vào những bề ngoài láng mượt chải chuốt, phong cách Wabi Sabi nổi lên như một liệu pháp tinh thần hiệu quả khi dần hướng con người tìm thấy Zen trong chính căn nhà mình. Theo tâm niệm của người Nhật, không có gì sinh ra trong tự nhiên mà hoàn hảo và trường tồn, bằng cách trân trọng vẻ đẹp chân phương như vốn dĩ của tạo vật, ta thể hiện sự tôn trọng đến thiên nhiên và rèn giũa tính khiêm nhường, biết chấp nhận sự thật nơi con người. Đồ dùng công nghiệp có thể thanh tao hoàn hảo thật đấy, nhưng trên phương diện nào đó chúng vẫn thiếu vắng đi hơi ấm của linh hồn. Chính vẻ bề ngoài không tồn tại một sai sót khiến chúng trở thành một hình dung phi thực tế, một sự bóp méo tự nhiên. Do đó, sao không điềm nhiên đón nhận mọi sự với đầy đủ những lỗi lầm, tốt xấu để tìm được tự do trong chính tâm trí của ta.

Thực hiện: Phương Nguyễn – Ảnh: Tư liệu.

Nguồn: Elle Decoration VN.

Chia sẻ: